Vùng đất giàu trầm tích văn hóa, hiếu học…
Theo các tài liệu lịch sử và những người lớn tuổi, trong các thời kỳ phong kiến, xã Thạch Châu có tên là làng Thu Hoạch và nổi tiếng với câu “Võ Hạ Hoàng, văn làng Thu Hoạch”. Từ năm 1945-1953, vùng quê này mang tên Mỹ Châu, từ năm 1953 đến nay có tên là xã Thạch Châu.
Dù tên gọi thay đổi, nhưng ở thời điểm nào thì xã Thạch Châu cũng nức tiếng gần xa bởi những con người, dòng họ khoa bảng, hiếu học, yêu nước. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Thạch Châu” giai đoạn 1930-2005 kể rõ những bậc tiền nhân từng lưu danh cùng sử sách: “Từ thời vua Lê Thánh Tông, cụ Nguyễn Tôn Tây đậu Tam giáp khoa Quý Mùi (1463).
Tiếp đó, cụ Phan Huy Cẩn đậu Đại khoa năm Giáp Tuất (1754), cụ Phan Huy Ích (con trai đầu cụ Cẩn) đậu Đại khoa năm Ất Mùi (1775), cụ Phan Huy Ôn (con trai thứ cụ Cẩn) đậu đại khoa năm Kỷ Hợi (1779)… nên dân gian có câu “Huynh đệ đồng khoa, phụ tử đồng triều”.
Tiếp nối mạch nguồn văn hóa đó, dòng họ Phan Huy lại sản sinh ra nhiều bậc hiền nhân, văn sỹ như: Phan Huy Thực, Phan Huy Sảng, Phan Huy Vịnh (đậu cử nhân), lưỡng khoa tú tài Phan Huy Chú với bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” nổi tiếng.
Cùng với đó, trong các triều đại phong kiến, quê hương Thạch Châu còn có các cụ: Phan Huy Tùng (đậu tiến sỹ), Lê Khắc Hoàn (đậu cử nhân) và Lê Quốc Thấu, Lê Nhật Vượng, Lê Khắc Khoan, Lê Tụy (đậu tú tài)…
Nhà thờ dòng họ Phan Huy (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) là nơi phụng thờ các bậc tiền nhân có nhiều công lao với dân, với nước của dòng họ. Đây cũng là địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa, hiếu học cho đời sau trên quê hương Thạch Châu.
Trong bề dày văn hóa của quê hương, vùng đất này còn sản sinh ra nhiều người con ưu tú, “văn võ song toàn”, có công lớn trong việc phò vua, giúp nước, đánh đuổi ngoại xâm, vỗ yên bờ cõi. Trong số này có thể kể đến Nguyễn Đình Khanh được vua Lê Cảnh Hưng sắc phong đến “Uy vũ tướng quân”; tiến sỹ Phan Huy Ích, nhà chí sỹ Phan Huy Sảng và Lê Gia Cơ tham gia phong trào Tây Sơn, trong đó, Phan Huy Ích là một trong những người có công lớn nhất trong việc phò tá vua Quang Trung xây dựng vương triều Tây Sơn; hay các chí sỹ yêu nước thời kỳ đầu chống Pháp như: Lê Quang Khuyến, Lê Khắc Hoàn, Lê Tử Lương, Lê Trọng Thể, Nguyễn Đình Lợi...
Quê hương và con cháu trong dòng họ Nguyễn Phúc Giáp phấn khởi đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 26/3/2021.
Cụ Phan Huy Hải (80 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu tự hào: “Ngoài dòng họ Phan Huy của chúng tôi thì trên quê hương Thạch Châu còn có nhiều dòng họ có con cháu làm rạng danh trong lịch sử như: họ Nguyễn Trọng (thôn Quang Phú), họ Phạm (thôn Lâm Châu), họ Nguyễn Đức (thôn Đức Châu), họ Nguyễn Đình (thôn Châu Hạ), họ Lê Quang (thôn Thanh Tân)…
Được sinh ra và nuôi dưỡng trong mạch nguồn của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, yêu nước và hiếu học, mỗi người con quê hương Thạch Châu nói chung, con cháu dòng họ Phan Huy nói riêng luôn có ý thức rèn luyện, phấn đấu, công hiến để bồi đắp thêm các giá trị truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa. Thực tế cũng cho thấy, dù ở đâu, làm bất cứ công việc gì trên khắp mọi miền của Tổ quốc, những người con quê hương vẫn luôn thành đạt, gặt hái được nhiều thành tựu”.
Sáng ngời trang sử mới…
Tiếp nối mạch nguồn truyền thống, xã Thạch Châu ngày nay luôn xác định sẽ đi lên từ văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển KT-XH và con người trong giai đoạn mới. Nhờ vậy, tất cả các lĩnh vực đều mang tính kế thừa cao, có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện, tỉnh.
Truyền thống của quê hương là “vốn liếng”, là hành trang để Thạch Châu vững bước trên hành trình đổi mới, ngày càng trở nên giàu mạnh, xã anh hùng cả trong chiến đấu lẫn trong thời kỳ đổi mới.
Những dòng họ, những người con quê hương Thạch Châu lại tiếp tục rèn đức, luyện tài, tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển chung; trong số này có thể kể đến các bác, các anh: Phan Huy Xu (tộc trưởng họ Phan Huy hiện nay), Phan Huy Hiền, Lê Hồng Thái, Lê Hồng Lĩnh, Lê Văn Tá…
Đặc biệt, Thạch Châu còn là nơi “chôn rau cắt rốn” của cố giáo sư Phan Huy Lê, người được xem là “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam, là người vinh dự được phong hàm giáo sư đợt đầu tiên và được Đảng, Nhà nước nhiều danh hiệu cao quý khác. Ngoài ra, ông còn được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996), Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn Lâm (năm 2002), bầu làm viện sĩ thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp (năm 2011), được Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp trao bằng Tiến sĩ danh dự (năm 2014)...
Nhờ ý Đảng quyện lòng dân, trên dưới đoàn kết nên Thạch Châu đang hướng tới xã đạt NTM kiểu mẫu cuối năm nay. Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Tiến Tám - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu chia sẻ: “Kế thừa truyền thống của cha ông, Thạch Châu hôm nay đang từng bước vươn lên, xứng đáng là xã từng 2 lần vinh dự được phong tặng danh hiệu anh hùng. Từ 14 đảng viên, nay Đảng bộ xã đã có 452 đảng viên sinh hoạt trong 15 chi bộ trực thuộc, 10 năm liên tục xã đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh; kinh tế không ngừng phát triển, sinh kế được nâng lên, an sinh xã hội được chăm lo.
Nếu cách đây hơn 10 năm, thu nhập của người dân chỉ 1,1 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo là 48%, cận nghèo là gần 50%, thì nay thu nhập đã gần 43 triệu đồng (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,4% và cận nghèo 2,7% (chủ yếu là các đối tượng bảo trợ xã hội). Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi là một trong những xã về đích sớm nhất tỉnh (cuối 2013), đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020 và năm nay phấn đấu về đích kiểu mẫu…”.
Ghi nhớ lời tiền nhân:“Nên thợ, nên thầy vì có học/ No ăn, no mặc bởi hay làm”, người dân Thạch Châu đang hàng ngày thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tích cực ứng dụng KHKT, xây dựng các mô hình kinh tế cao để có một cuộc sống ấm no, sung túc. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khuyến học, khuyến tài luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây chăm lo, đầu tư tương xứng nên luôn đứng đầu toàn huyện, thuộc tốp đầu cả tỉnh.
Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, Thạch Châu đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để chỉnh trang các trường học, hàng chục tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, vận động xã hội hóa gần 1 tỷ đồng/năm phục vụ cho công tác khuyến học, khuyến tài. Nhờ vậy, tất cả 14 thôn đều được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” - là xã có 100% thôn đạt danh hiệu này sớm nhất tỉnh (năm 2005).
Quỹ khuyến học của dòng họ Lê Quang hiện có trên 300 triệu đồng, vào các dịp lễ tết, cùng rằm tháng Bảy thì tổ chức khen thưởng cho những con cháu có nhiều thành tích cao trong học tập. Ảnh tư liệu
Đời sống văn hóa và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93%, gia đình thể thao đạt 63%. Cả 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục luôn đứng đầu, hàng năm có khoảng 40 em đậu đại học, cao đẳng và hàng trăm học sinh giỏi các cấp, 53 dòng họ có quỹ khuyến học...
Vùng đất giàu truyền thống văn hóa Thạch Châu đang vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn